Tin công ty

Phát triển Vận tải nội thủy tại ĐBSCL - Lựa chọn Xanh cho logistics Việt Nam

[ {{formatDate('2024-07-01T02:38:05.337Z')}}]

Vận tải nội thủy đang dần khẳng định vai trò trong việc phát triển hệ thống logistics xanh và bền vững tại Việt Nam. Với lợi thế về chi phí và khả năng giảm thiểu tác động đến môi trường, vận tải nội thủy được đánh giá là một giải pháp tối ưu cho việc vận chuyển hàng hóa trên những tuyến đường dài.

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí vận chuyển bằng tàu 700 tấn thấp hơn tới 60% so với xe ô tô 100 tấn trên cùng một quãng đường, đồng thời giảm 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hạ tầng vận tải nội thủy: Thách thức và giải pháp

Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Theo số liệu thống kê, hiện nay, chỉ có khoảng 15% luồng lạch trên sông được nạo vét đạt độ sâu cho phép tàu trọng tải lớn hoạt động.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng, bến bãi còn thiếu đồng bộ và chưa được trang bị đầy đủ để tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là nạo vét luồng lạch trọng điểm như Kênh Hà Nam tại Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đông thời, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại và trang bị các thiết bị xếp dỡ tiên tiến tại các cảng sông sẽ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của vận tải nội thủy.

Tuyến kết nối Cái Mép - ĐBSCL: Điểm sáng tiềm năng

Phát triển cơ sở hạ tầng luôn là tiền đề cho phát triển kinh tế, tuy nhiên, xây dựng cao tốc ở ĐBSCL lại đối mặt với những thách thức đáng kể. Nền đất yếu và tốc độ sụt lún cao không chỉ đe dọa tính ổn định của công trình, mà còn gây ra những vấn đề phức tạp trong quá trình thi công và bảo trì. Ngoài ra, việc thiết kế hệ thống thoát nước không đầy đủ có thể dẫn đến ngập úng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống người dân, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Để giải quyết những vấn đề này, cần có những giải pháp thiết kế và thi công phù hợp, đồng thời xem xét các phương án xây dựng mới như cao tốc trên cao, hoặc tập trung phát triển vận tải nội thủy, một giải pháp thay thế bền vững và hiệu quả.

Việt Nam, với lợi thế về đường bờ biển và mạng lưới sông ngòi dày đặc, đặc biệt là ở ĐBSCL, có tiềm năng rất lớn để phát triển vận tải nội thủy. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Gemadept và các doanh nghiệp đầu ngành vận tải nội thủy đã và đang nghiên cứu và từng bước triển khai Tuyến vận tải nội thủy Cái Mép – ĐBSCL. Đây là một minh chứng điển hình cho tiềm năng này, kỳ vọng kết nối vựa nông sản, thủy hải sản lớn nhất với cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Khi Tuyến vận tải này đi vào vận hành không chỉ rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển, mà còn giảm thiểu đáng kể lượng khí thải CO2 ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuyến mẫu kết nối Cái Mép - ĐBSCL

So với tuyến giao thông đường thủy hiện tại, tuyến mẫu Cái Mép – ĐBSCL vượt trội hơn hẳn về mọi mặt, rút ngắn 40% quãng đường, 50% thời gian di chuyển, tiết kiệm 50% lượng nhiên liệu tiêu thụ, và gia tăng 25% sức chứa hàng hóa. Điều này không chỉ khẳng định tiềm năng to lớn của vận tải nội thủy, mà còn mở ra hướng đi mới cho việc tối ưu hóa hoạt động logistics và phát triển bền vững ngành giao thông vận tải tại Việt Nam. Việc tập trung đầu tư và phát triển vận tải nội thủy không chỉ là một giải pháp thay thế hiệu quả cho việc xây dựng cao tốc ở ĐBSCL, mà còn là một chiến lược quan trọng để tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên của đất nước, hướng tới tương lai phát triển bền vững.

Bên cạnh dư án Tuyến mẫu vận tải thủy, Gemadept đã và đang khẳng định vai trò Tiên phong trong việc phát triển vận tải nội thủy tại Việt Nam. Với đội tàu hùng hậu gồm hơn 30 tàu sông container, Gemadept đang khai thác hiệu quả các tuyến vận tải đường sông nội địa, tuyến vận tải nội thủy kết nối Việt Nam Campuchia, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào đội tàu, Gemadept còn tích cực đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững, như hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận tài chính xanh để đóng tàu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ xanh trong vận tải biển, thủy.

Cái Mép - ĐBSCL: Đòn bẩy phát triển kinh tế, cần sự chung tay

Tuyến vận tải nội thủy Cái Mép - ĐBSCL, với tiềm năng kết nối khu vực ĐBSCL với cụm cảng nước sâu Cái Mép, được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của khu vực. Với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, chi phí logistics sẽ giảm đáng kể, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu lượng xe tải lưu thông trên đường bộ cũng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.

Để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự chung tay của cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần tạo ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào vận tải nội thủy. Doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào đội tàu hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ. Người dân cần thay đổi thói quen, ưu tiên sử dụng các dịch vụ vận tải nội thủy để góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một hệ thống logistics xanh và bền vững.

other

{{item.title}}

[ {{formatDate(item.date)}}]