[ {{formatDate('2023-08-04T02:57:48.513Z')}}]
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về quy mô, hiệu quả và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiên phong cùng TTCK
Trong số hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay, có những cái tên đã gắn bó với thị trường từ những ngày đầu tiên và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Một trong số đó là Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD - HOSE), doanh nghiệp niêm yết hàng đầu về hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics.
Gemadept là một trong các công ty đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 1993 và là một trong những công ty niêm yết sớm nhất trên TTCK Việt Nam vào năm 2002. Mốc son dấu ấn này đã mở ra cho Gemadept một chương phát triển vượt trội.
Với hơn 33 năm kiên định vượt qua mọi thử thách để phát triển bền vững, Gemadept trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics tại Việt Nam, hiện là doanh nghiệp niêm yết duy nhất sở hữu hệ sinh thái cảng và logistics tích hợp tại những vị trí chiến lược từ Bắc tới Nam.
Song song đó, Gemadept cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành hoạt động khai thác cảng và logistics, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và chất lượng dịch vụ.
Để có được vị thế hiện tại, Gemadept đã phải nỗ lực vượt qua không ít khó khăn. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 - 2010, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề khi chỉ số VN-Index giảm từ mức cao nhất gần 1.200 điểm xuống dưới 300 điểm. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đối mặt với sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu và khả năng thanh toán nợ. Vòng xoáy càng khắc nghiệt, Gemadept càng vững vàng, thể hiện khả năng ứng biến linh hoạt và vượt qua giai đoạn khó khăn chung của TTCK.
Với ý chí của những con người mang Gen Gemadept, quyết tâm phát triển kinh doanh bền vững, minh bạch trong công tác quản trị đã giúp GMD là một trong những cổ phiếu hiếm, được yêu thích và thu hút được nhiều sự quan tâm trên TTCK.
Lớn mạnh cùng thị trường
Có thể nói, TTCK Việt Nam được hình thành từ những viên gạch đầu tiên như GMD và cũng chính nhờ đó, TTCK đã chắp cánh cho các doanh nghiệp phát triển. Bởi TTCK là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nhờ sự phát triển của TTCK, các doanh nghiệp niêm yết đã dễ dàng huy động được nguồn vốn giá rẻ để tăng quy mô hoạt động, trong đó Gemadept cũng không ngoại lệ.
Từ nguồn vốn huy động được qua TTCK, Gemadept đã gia tăng nguồn lực để đầu tư cho chiến lược kinh doanh cốt lõi về cảng và logistics tại các vị trí chiến lược kinh tế quan trọng của đất nước, điển hình trong đó là siêu Cảng nước sâu Gemalink, hay cụm cảng Nam Đình Vũ.
Năm 2019, dự án siêu cảng nước sâu Gemalink là kỳ vọng và niềm tự hào của Gemadept, cũng như của ngành hàng hải được khởi động. Giai đoạn 1 của Dự án đã nhanh chóng được hoàn thành và đưa vào vận hành từ đầu năm 2021. Chỉ sau 2 năm hoạt động, Cảng nước sâu Gemalink đã lập kỷ lục hơn 2 triệu Teu hàng hóa thông qua, đây cũng chính là kỷ lục trong ngành khai thác cảng Việt Nam.
Sự ra đời của Cảng nước sâu Gemalink đã và đang mang lại lợi thế cạnh tranh cho Gemadept trong lĩnh vực cảng biển, khi có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 250.000 DWT.
Hơn thế nữa, Cảng nước sâu Gemalink đã và đang đóng vai trò cửa ngõ cho thay đổi phương thức xuất nhập khẩu của Việt Nam, khi hàng hóa Việt Nam không cần qua cảng trung chuyển nước ngoài mà kết nối trực tiếp tới các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Tại thị trường miền Bắc, cụm Cảng Nam Đình Vũ gồm 3 giai đoạn, quy mô chiều dài cầu bến 1,5 km, đón các tàu có trọng tải lên đến 48.000 DWT. Với thành công lập kỷ lục thời gian xây dựng và vận hành tốt giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Cảng ngay khi đưa vào vận hành cuối tháng 5/2023 dự kiến đạt 80% công suất trong năm nay. Trung bình mỗi tuần có 18 chuyến tàu ra vào Cảng, tăng gấp hơn 3 lần số chuyến tàu của giai đoạn 1.
Cảng Nam Đình Vũ được xây dựng và đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiết bị và công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại và thân thiện với môi trường. Khi hoàn thành giai đoạn 3, cụm cảng Nam Đình Vũ sẽ là cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.
Nam Đình Vũ sẵn sàng phục vụ nhu cầu vận tải các tuyến kết nối với Trung Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển thị trường xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Nam Á, tiêu biểu là Ấn Độ.
Tại khu vực miền Nam, siêu cảng nước sâu Gemalink của Gemadept và các cảng vệ tinh hòa nhịp với Cảng Dung Quất tại khu vực miền Trung và cụm cảng tại miền Bắc sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần xây dựng và phát triển hạ tầng cảng biển Việt Nam quy mô, hiện đại, phục vụ tốt nhất giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Phát triển cùng chuỗi các cảng tại các vị trí chiến lược quan trọng là nhà ga hàng hóa hàng không, các trung tâm phân phối hàng hóa và kho lạnh lớn nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt với sự hợp lực, đồng hành của các khách hàng, đối tác, Gemadept tiếp tục làm giàu hệ sinh thái quý hiếm Cảng - Logistics để xứng đáng là một trong những doanh nghiệp tiên phong của TTCK.
Có thể nói, TTCK đã chắp cánh cho các doanh nghiệp niêm yết lớn mạnh, nhưng cũng nhờ những cổ phiếu như GMD giúp cho TTCK có được nguồn hàng chất lượng, qua đó tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển bền vững của TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.