[ {{formatDate('2024-11-12T03:13:42.827Z')}}]
Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy, triển khai thực hiện. Dân số trẻ, nền kinh tế năng động tại khu vực, được nhiều tổ chức thế giới đánh giá cao, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo… là những lợi thế của Việt Nam trong cuộc đua này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ môi trường vĩ mô, trong tiến trình số hóa, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn về sức cạnh tranh nội tại của doanh nghiệp, hạ tầng mạng lưới (internet, logistics…), khả năng áp dụng và làm chủ công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về phát triển bền vững.
Một trong những giải pháp then chốt chính là đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Mỗi ngành có những đặc thù riêng. Đối với ngành khai thác cảng và logistics, vốn đầu tư lớn, mạng lưới hoạt động rộng, câu chuyện đổi mới sáng tạo cần có tầm nhìn, chiến lược, lộ trình phù hợp, các nguồn lực cần thiết và sự đồng hành của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng.
Văn hóa đổi mới sáng tạo tại Gemadept
Gemadept khẳng định, chuyển đổi số là cuộc cách mạng tư duy, lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thích ứng. Sự tham gia tích cực của đội ngũ là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Gemadept chú trọng đầu tư vào con người, thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng, tạo môi trường làm việc hiệu quả. Công ty đã thành lập Ban chuyển đổi số, xây dựng định hướng rõ ràng và trang bị kiến thức cho nhân viên.
Công ty đã và đang triển khai thành công nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, ứng dụng vào hoạt động, hướng đến tối ưu hóa hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Điển hình là phần mềm SmartPort, ra mắt từ năm 2021. Nền tảng này đã số hóa toàn bộ quy trình vận hành cảng, từ tiếp nhận tàu đến giao nhận hàng hóa, giúp giảm thời gian chờ đợi, nâng cao năng suất xếp dỡ, hạn chế sai sót và tạo kênh giao tiếp trực tuyến hiệu quả với khách hàng.
Năm 2023, Gemadept tiếp tục tiên phong ứng dụng cổng cảng tự động SmartGate. Ứng dụng này giúp xe container làm thủ tục nhanh chóng chỉ trong vài giây, kết nối các bên trong chuỗi cung ứng, cho phép trao đổi thông tin, giám sát hành trình và theo dõi hiệu quả hoạt động.
SmartPort và SmartGate, được tích hợp các công nghệ IoT, AI, Big Data, là minh chứng cho sự kết hợp nhịp nhàng giữa con người và công nghệ tại Gemadept. Hệ thống này không chỉ giúp Gemadept giám sát, điều phối hoạt động hiệu quả, minh bạch mà còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ vượt trội.
Những nỗ lực này góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa chi phí logistics là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với chiến lược lấy con người làm trọng tâm, kết hợp ứng dụng công nghệ tiên tiến, Gemadept đang nỗ lực tạo ra những bước đột phá, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cảng biển và logistics.
Vai trò kiến tạo hạ tầng
Bên cạnh phần mềm, hạ tầng kết nối - “phần cứng” - cũng là điều kiện tiên quyết để một nền kinh tế hiện đại phát triển. Hệ thống logistics thông suốt, nhanh chóng hình thành nền tảng vững chắc cho kinh tế số và tài chính phát triển. Song song đó, vai trò kiến tạo hạ tầng của các doanh nghiệp đầu ngành như Gemadept là vô cùng quan trọng.
Đầu năm 2024, Gemadept được Chính phủ giao triển khai Dự án hàng hải quốc gia. Với xu hướng gia tăng cỡ tàu, việc tháo gỡ “nút thắt” về luồng hàng hải hẹp và nông tại Kênh Hà Nam ngày càng trở nên bức thiết. Độ sâu mớn nước trước đây là -7m, cùng với tình trạng sa bồi tại một số thời điểm khiến các tàu có mớn nước -8,5m trở lên phải neo chờ thủy triều và giảm tải hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn này, Gemadept đã chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng thực trạng luồng kênh, sau đó đề xuất lên cơ quan chức năng, được chấp thuận và triển khai Dự án nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu cảng Container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ.
Dự án đã hoàn thành nạo vét, hạ độ sâu luồng từ -7m xuống -8,5m. Luồng kênh Hà Nam giờ đây có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên đến 48.000 DWT đầy tải và không phải chờ thủy triều, giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics và tăng hiệu quả hoạt động của khu vực cảng Hải Phòng nói chung và cảng Nam Đình Vũ (thuộc Gemadept) nói riêng. Dự án mang tầm vóc quốc gia này đã giải quyết nỗi trăn trở về luồng lạch hàng trăm năm qua tại Hải Phòng.
Tương tự, được Bộ Giao thông - Vận tải tin tưởng giao nhiệm vụ, Gemadept đã và đang nghiên cứu đề xuất tuyến vận tải thủy nội địa kiểu mẫu với chiều dài tuyến rút ngắn còn khoảng 200 km (2 tuyến hiện hữu lần lượt là 235 km và 367 km), tuyến mẫu đi qua kênh Quan Chánh Bố kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và Cụm cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải, đặc biệt là cảng nước sâu Gemalink (thuộc Gemadept), không chỉ tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa nói chung, mà còn cho phép nông sản Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, châu Âu mà không cần trung chuyển.
Những dự án chiến lược này thể hiện nỗ lực rất lớn của Gemadept, sự hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng và vận hành những dự án này hiệu quả không những giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn góp phần thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước.
Hơn thế nữa, những dự án này cũng khơi dậy tinh thần dám nghĩ dám làm, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp sức vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Cam kết phát triển bền vững
Mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cho các cụm cảng lớn ở hai đầu đất nước. Tại phía Bắc, giai đoạn 3 của Cảng Nam Đình Vũ đang trong quá trình thi công, nâng tổng số bến lên 7 với công suất lên đến 2 triệu TEU cùng 1,5 km cầu tàu. Cảng Nam Đình Vũ sẽ trở thành cảng sông quy mô nhất miền Bắc, mang đến những giá trị vượt trội cho khách hàng. Tại phía Nam, Gemalink cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu khởi công giai đoạn 2A trong năm 2025, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, đối tác và khẳng định vị thế của cảng biển Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh “số hóa”, Gemadept đã và đang thực hiện “xanh hóa” toàn bộ hệ sinh thái cảng, mỗi cảng đều có lộ trình để hướng tới mô hình hoạt động thân thiện với môi trường. Tháng 9 vừa qua đánh dấu những thành công đáng kể trên hành trình này khi cảng Nam Đình Vũ và cảng Bình Dương đạt được các chứng nhận quốc tế ISO 45001, ISO 14001 và Cảng Xanh. Đặc biệt, cảng Gemadept Dung Quất vinh dự nhận giải thưởng GPAS 2024 từ Mạng lưới Cảng biển Châu Á (APSN), ghi nhận những nỗ lực và khẳng định vị thế của Gemadept trên bản đồ cảng biển thế giới.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Gemadept đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành cảng và logistics, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, từng bước đưa Việt Nam tiến bước trên hành trình hướng đến số hóa và xanh hóa nền kinh tế.