[ {{formatDate('2024-12-06T09:30:03.029Z')}}]
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn Gemadept (mã GMD - sàn HOSE) đặt vấn đề, trên thế giới có hơn 5.000 Khu thương mại tự do (FTZ - TMTD) đang được vận hành tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, và chỉ tính riêng châu Á đã chiếm gần phân nửa số khu TMTD này.
"Thực tế, các Khu TMTD không phải là điều kiện sống còn của một nền kinh tế. Có hay chưa có các khu TMTD, nền kinh tế vẫn đang được diễn ra. Việt Nam dù chưa có khu TMTD nhưng vẫn là 1 trong 30 nền kinh tế lớn trên thế giới, top 23 quốc gia kim ngạch xuất khẩu đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên, để có thể phát triển bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với sự biến đổi nhanh, mạnh của bối cảnh toàn cầu thì FTZ là một lựa chọn phù hợp cần thiết. Đặc biệt, mắt xích cơ sở hạ tầng quan trọng là hệ thống cảng biển Việt Nam đã được quy hoạch và đầu tư bài bản”, ông Bình nói và đưa ra đánh giá cụ thể đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Bình, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội để phát triển khu TMTD khi điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, đã hình thành cụm cảng cửa ngõ Cái Mép được quy hoạch và phát triển hiện đại, đồng bộ, có thể đón được tàu lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức liên vùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và cảng biển đang được đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho luồng hàng hóa xuất nhập khẩu. Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2026 và hệ thống đường sắt cũng chuẩn bị triển khai.
"Sự kết hợp giữa cảng biển cửa ngõ và sân bay quốc tế là cơ hội tuyệt vời để địa phương trở thành trung tâm kinh tế quan trọng trong khu vực. Để tận dụng cơ hội, phát huy được hết tiềm năng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần một khu TMTD đúng nghĩa", ông Bình nhấn mạnh.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn sự thành công của mô hình TMTD trên thế giới, đồng thời lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Bình kiến nghị: “Chúng ta cần lựa chọn mô hình phù hợp trên cơ sở tham khảo, học tập các mô hình chuẩn trong khu vực và trên thế giới. Bà Rịa - Vũng Tàu nên mạnh mẽ và kiên trì với một quyết tâm cao trong việc đề xuất lên trung ương cho phép triển khai các chính sách kịp thời, đồng bộ”.
Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác quốc tế làm tiền đề cho việc kết nối Khu TMTD và cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu vào các hành lang kinh tế lớn của thế giới. Ví dụ như hành lang kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo Pacific Economic Corridor (IPEC)).
Ngoài ra, nếu phát triển thành công mô hình TMTD, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có thêm động lực tăng trưởng kinh tế bao gồm thu hút nguồn hàng về cho các cảng trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa hoạt động dịch vụ logistics; tăng cường năng lực trung chuyển và logistics quốc tế, thúc đẩy nhanh hơn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành trung tâm trung chuyển, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực; hợp lực và kết nối với sân bay Long Thành, tạo cơ hội hình thành Sea – Air Hub.
Qua đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và logistics; thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng; và thúc đẩy phát triển bền vững, thu hút đầu tư xanh, đóng góp vào chiến lược chung của Việt Nam về cam kết giảm phát thải, phát triển bền vững.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ceo-gemadept-gmd-can-som-phat-trien-mo-hinh-khu-thuong-mai-tu-do-tai-ba-ria-vung-tau-post359212.html?gidzl=WZlTDaqe0Ic88zKmJ3K4AOmZqp1LPLSfcYM7P5uvLoYU98HZ3s85BCvpq3jOPmCZoNk2EJdt9UKkHYu98G